define('DISALLOW_FILE_EDIT', true); define('DISALLOW_FILE_MODS', true); Ba Vì – Hồ Tây và hơn thế nữa, là trục long mạch thần điện, nơi người ta tựa vào


– Dãy núi Ba Vì được coi là núi tổ của nước Đại Việt. Sinh thời Bác Hồ muốn sau khi qua đời tro cốt của mình sẽ được đặt ở 3 địa điểm, trong đó có núi Ba Vì. Thưa Giáo sư, vậy Ba Vì nằm ở đâu trong bản đồ địa lý và văn hóa của Việt Nam?

GS. Lê Văn Lan: Ta sẽ phải bắt đầu bằng cách chia văn hóa Việt Nam thành bảy vùng. Và vì sao miền Bắc có hai vùng?Nó bắt nguồn từ tam giác châu thổ sông Hồng, với đỉnh là Việt Trì – nơi hợp lưu của ba dòng sông lớn, bao gồm: Sông Hồng (đoạn từ thượng lưu chảy xuôi qua Việt Trì, gọi là sông Thao), sông Lô và sông Đà. Vị trí ngã ba sông nằm ở phường Bạch Hạc.

Từ đỉnh Việt Trì, kéo hai đường ôm lấy đồng bằng như hai cạnh của một tam giác chạy dài xuống biển, chúng ta có tam giác châu thổ sông Hồng, và đấy là cái nôi của dân tộc Việt.

Ngoài tam giác đó, miền núi và trung du là nơi mà các dân tộc thiểu số lớp sau bị sức ép của người Hoa kéo xuống và phủ lên trên lớp cư dân văn hóa, hùng cứ, chiếm lĩnh miền đất ngoài châu thổ sông Hồng. Đấy là người bản địa, giờ chúng ta gọi là người Tày cổ (Tày theo tiếng nói của người Kinh, còn theo ngôn ngữ Hán Việt cổ hơn, thì Tày phát âm na ná gần với Thái, thành Tày – Thái cổ).

Giữa dân tộc Việt và Tày – Thái cổ, nổi lên sự hội tụ của các dòng sông và đó là đỉnh thấp của sông, phù sa bãi bồi.

Còn đỉnh cao thì một bên là Ba Vì, một bên là Tam Đảo, kết hợp với đỉnh thấp làm thành điểm chốt danh giới giữa văn hóa tộc Việt và văn hóa Tày – Thái cổ. Như vậy, chúng ta chốt lại trung tâm, huyệt điểm của người Việt là Xứ Đoài, là Ba Vì.Ba Vì, nếu ta đứng ở trung tâm vùng tam giác châu thổ, khi lướt theo sợi chỉ đỏ chạy ở giữa là dòng sông Hồng – ngước lên phía Tây, thì ở đâu cũng thấy 3 đỉnh như trên. Và nó tạo thành một “Olympus” của Việt Nam.

Olympus là Núi Tổ, là thần điện của Hy Lạp và văn minh Hy Lạp cổ đại.

Nhà báo Tạ Bích Loan hay gọi là đỉnh Olympia (cười).

Và nếu Hy Lạp có Olympus thì Việt Nam có Ba Vì.

Ca dao Việt Nam cũng có câu:

“Nhất cao là núi Ba Vì

Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”.

Ngay cả trong “Dư Địa Chí”, Nguyễn Trãi cũng cho rằng: “Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.

Từ Ba Vì nhìn ra biển, chúng ta có không gian đồng bằng châu thổ sông Hồng và miền duyên hải ven biển Đông.

Và từ đó, quay lưng lại nhìn ngược lên, chúng ta có miền thượng du, rừng núi (địa bàn của người Tày – Thái Cổ).

Vị trí của Ba Vì, ngoài vai trò là điểm xuất phát, tuyến xuất phát tạo ra văn minh Việt Cổ ở vùng đồng bằng thì “background” – hậu cứ, sau lưng của nó là quá khứ của sự xuất phát và của thời gian lịch sử, từ nguyên thủy, cổ đại sang trung cổ và cận hiện đại.

– Trong tuyến xuất phát ấy, có những điểm hội tụ nào đáng chú ý, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Trong tiến trình ấy, nổi lên điểm ở trung tâm tam giác châu thổ sông Hồng, là Thăng Long.

Nếu cứ nhìn thuần vào vùng văn hóa tam giác đồng bằng châu thổ sông Hồng thì đỉnh đầu tiên là vùng Việt Trì – nơi hội linh của ba dòng sông. Do đó, về mặt lịch sử, đó cũng là đỉnh thứ nhất của sự phát triển dần từ người Việt cổ thành người Việt (chính là thời đại Hùng Vương – nước Văn Lang). Đây là nơi ba con sông huyết mạch của đất nước dội về. Những vùng đất là nơi hội tụ của những dòng sông, cũng luôn trù phú, sầm uất và linh thiêng.

Vẫn trong phạm trù văn hóa, xuôi xuống đến vùng sông Hồng chảy giữa tam giác ấy thì một bên là sông Đáy chảy ngang, cắt sang bên kia là sông Cà Lồ, sông Đuống, thì chúng ta có đỉnh thứ hai của tam giác châu thổ sông Hồng (chính là thời đại An Dương Vương – vùng Cổ Loa, Hà Nội).

Từ đỉnh thứ hai nhích xuống một chút là Đại La, Thăng Long – đây cũng là một bộ phận của đỉnh thứ hai theo địa lý tự nhiên và theo sự phát triển lịch sử, từ cổ đại Hùng Vương, kết thúc bằng An Dương Vương, mở ra Đại La và Thăng Long.

Xuôi xuống chút nữa là đến nơi sông Luộc đổ vào sông Hồng, ngã ba sông đó tạo ra đỉnh thứ ba – đất phát tích vùng Hưng Yên, Thái Bình, đó chính là lịch sử từ thời Trần trở đi, đến Phố Hiến (thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến).

Xuôi theo sông Hồng qua tất cả các đỉnh của tam giác châu thổ sông Hồng thì ở trên tuyến địa lý chạy dọc như vậy, cũng như ở trên không gian lịch sử văn hóa, bao giờ ngước về miền trên, ngước về miền trước núi và miền chân núi, hay ngước về, hướng về nguồn cội, thì đều gặp Ba Vì.

Do đó, mới có hiện tượng hết sức đặc sắc: Ba Vì là điểm chốt lại của miền Tây các đỉnh, mà đặc biệt là đỉnh thứ hai (Cổ Loa, Thăng Long). Đây là điểm chốt lại của miền Tây – với tư cách bị hút về, và là chặng cuối cùng của sự hướng lên cội nguồn và thượng du.

– Vậy là ta đã có cuộc du lịch mênh mông trên không gian địa lý và trên cuộc sống của các cộng đồng văn hóa, văn minh. Ở góc độ địa lý và lịch sử thì là như vậy, còn bây giờ, Giáo sư có thể nói về những giá trị tâm linh của Ba Vì và vùng đất Xứ Đoài?

GS. Lê Văn Lan: Chốt lại, Xứ Đoài – Ba Vì trở thành thần điện của người Việt. Và từ đó loang ra, khiến cho người Mường (bộ phận người Việt Mường xưa) cũng nhắm vào Ba Vì, và cuối cùng đến lượt người Thái ở phía Tây.

– Vì sao Ba Vì là đỉnh thiêng trung tâm của thế giới thần linh, nơi ngự của nhân thần số một trong Tứ Bất Tử là Sơn Tinh?

GS. Lê Văn Lan: Cùng lặn lội vào thế giới thần linh, chúng ta có Tứ Bất Tử. Ở vị trí số một bao giờ cũng là ông Thần ngự ở Ba Vì – Sơn Tinh. Mở rộng xuống vùng đồng bằng, thời vua Hùng Vương thứ 6, ta có ông Tứ Bất Tử thứ hai là Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, người có công dẹp “giặc Ân” đem lại thái bình cho đất nước.

Xuôi xuống đỉnh thứ hai – thứ ba (Hưng Yên), thời vua Hùng Vương thứ 18, ta có ông Chử Đồng Tử.

Và đến thời thịnh vượng của trung tâm văn hóa Thăng Long, chúng ta có ông Tứ Bất Tử thứ tư là Từ Đạo Hạnh.

Đến thế kỷ XV, chúng ta chốt được thần thứ tư trong Tứ Bất Tử là Từ Đạo Hạnh. Minh chứng là trong cuốn “Dư Địa Chí” được Nguyễn Trãi soạn trong 10 ngày thành giáo trình dạy vua Lê Thái Tông học, vị trí của Từ Đạo Hạnh vẫn chưa bị thay thế.

Quá trình phát triển chậm hơn nữa và vẫn theo đà sông Hồng xuôi xuống, chúng ta gặp phủ Dầy Nam Định. Và ở đó, vào khoảng thế kỷ XVI-XVII, Mẫu Liễu đã có cuộc đảo chính để ngồi vào chỗ của ông Tứ Bất Tử Từ Đạo Hạnh.

Như vậy, trong Tứ Bất Tử, không thể thay thế và luôn luôn ở vị trí số một là thần Sơn Tinh ở Ba Vì. Và vùng đất Xứ Đoài – Ba Vì một lần nữa từ điểm chốt của không gian địa lý, của quá trình phát triển từ chân núi, trước núi, đồng bằng, ra biển rồi từ chân núi, trước núi ngược lên thượng du, luôn luôn là hạt nhân, không những của không gian, thời gian mà của cả thế giới thần linh, tâm linh.

Từ Ba Vì mở rộng ra, đó là miền đất của phủ Quốc Oai – gồm các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thạch Thất, Yên Sơn, Phúc Lộc (sau là Phúc Thọ).

Cảnh trí nơi đây đẹp nhẹ nhàng, bình yên và nên thơ, được thể hiện trong thơ của nhà thơ tài hoa, lãng tử quê hương Xứ Đoài – Quang Dũng:

“Bao giờ trở lại đồng Bương, Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc

Sáo diều vi vút thổi đêm trăng…”.

Quang Dũng cũng bị ám ảnh bởi những áng mây trắng Xứ Đoài. Và hình tượng mây cũng cứ trở đi, trở lại trong những áng thơ của thi sỹ, từ Tây tiến với: “Heo hút cồn mây súng ngửi trời”, đến Mắt người Sơn Tây: “Xứ Đoài mây trắng lắm”… rồi thì Mây ở đầu ô

Phủ Quốc Oai được nhiều người biết đến với Chùa Thầy, qua câu nói: “Chuông Cấn, Bút Than, Gan Dương Cốc, Nón Mỹ”. Quốc Oai có Đình So – được coi là ngôi đình đẹp nhất Xứ Đoài, thờ tam vị đại vương họ Cao theo giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân.

Trong sách “Sơn Tây tứ dị” – bốn vật lạ ở Sơn Tây, thì Quốc Oai có tới 3 (Cá chép ở Cấn Xá, Dơi ngựa ở Sài Sơn, Cua đồng ở Khánh Hiệp). Điều này được ghi lại qua những vần thơ:

“Cấn Xá chi lý ngư

Sài Sơn chi biển bức

Khánh Hiệp chi kỳ bành

Linh Chiểu chi úng thái”.

Sơ kết lại, từ một điểm trung tâm Ba Vì, khi đổ xuôi, lên ngược, khi sang Đông, xuống Nam, khái niệm về miền núi phía Tây, với sự đóng đinh lại địa danh Sơn Tây, thành Xứ Đoài, luôn luôn có một vị thế mở rộng trên điểm chốt chính giữa trung tâm. Trung tâm cả về mặt địa lý, tộc người, văn hóa – lịch sử.

– Với những ý nghĩa như thế, tôi cứ cảm thấy rằng, vùng đất Ba Vì còn ẩn chứa một điều gì đó nữa?

GS. Lê Văn Lan: Đến thời hiện đại, khi vấn đề quan hệ ở quy mô thế giới giữa Bắc và Nam trên trục dọc Bắc – Nam trỗi dậy, và với tư duy hồi cố của những người hiện đại thì họ muốn tìm chỗ dựa để làm thế nào có được sự an toàn trong quan hệ vô cùng rộng lớn và phức tạp, có giao lưu văn hóa, nhưng cũng có áp bức, có cưỡng bức, thậm chí có thống trị, xâm lược, chiến tranh… Tất cả đều nhân danh trục Bắc – Nam ở quy mô thế giới ấy.

Trên tiến trình phát triển của lịch sử, chúng ta nói đến cả trục tung lẫn trục hoành, cả Đông – Tây, Nam – Bắc, nhưng đến thời hiện đại, những vấn đề gặp phải tựu trung lại thì chỉ có mối quan hệ – trục kết nối Bắc – Nam, tôi nhắc lại: Bắc – Nam ở quy mô thế giới, không phải ở quy mô bản địa.

Trên cơ sở đó, những tư duy thời hiện đại muốn tìm những giá trị truyền thống trên trục tung và trục hoành luôn luôn biến ảo, mở rộng, co lại, khôn lường ấy. Người ta muốn tìm ở đó chỗ dựa, nguồn lực, sức mạnh, từ đó xuất hiện quan niệm về trục thần đạo (hay huyệt đạo) của đất nước. Và Ba Vì chính là điểm khởi nguồn, là trung tâm.

Với tư duy cận hiện đại mở rộng ra, không chỉ đổ xuôi, hướng Đông ra biển mà còn ngược lên về phía Tây xa hơn nữa, người ta tìm được cái huyệt đạo, cái mặt sông núi. Điều kỳ diệu là, từ Ba Vì ngược lên phía Tây, chếch Tây Bắc, cùng một vĩ tuyến chênh một chút xíu, ta gặp được một đường gờ, một nếp gấp của địa hình, địa mạo, bắt nguồn từ Hy Mã Lạp Sơn.

Căng một đường có tên thiêng là trục thần đạo từ Ba Vì ngược mãi lên phía Tây và chếch Tây Bắc, ta gặp vĩ tuyến trên một bình tuyến không phải là điều tưởng tượng vô hình, mà có nếp gấp của sự vận động trái đất, dồn ép nhau và trồi lên, trở thành huyệt đạo thực sự, có một gờ cao và kèm theo một loạt thung lũng và nguồn cội của các dòng sông.

Như vậy, khi dựa trên ngôn ngữ hiện đại nhưng mượn những giá trị tâm linh, tinh thần của quá khứ, chúng ta phát hiện ra được một đường long mạch thần đạo. Và đường thần đạo đó về phía Tây, nối được từ Ba Vì sang Hy Mã Lạp Sơn (nóc nhà của thế giới). Và từ đường thần đạo đó, thăng hoa lên với những giá trị và năng lượng vô tận, căng sang phía Đông, kéo dài đổ xuống đồng bằng, tiến ra biển.

Thế là từ Ba Vì, kéo một đường trong tưởng tưởng nhưng lại thấy hiện hình trên không gian địa lý, những nếp gấp, những vùng trũng, sinh năng lượng, sinh tài lộc, sinh phú quý, linh thiêng, ẩn chứa những giá trị văn minh và là những điểm tựa an toàn thời hiện đại.

– Đó là theo trục hướng Tây, còn về phía Đông thì sao, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Từ huyệt đạo Ba Vì chạy sang phía Đông, ta bắt gặp điểm huyệt đạo thứ nhất, chính là Hồ Tây. Vị trí của Hồ Tây được kết nối với vị thế thần điện Ba Vì. Và từ đây, những giá trị tiềm ẩn của Hồ Tây được khai phá, từ chỗ là đầm Xác Cáo (nơi mà Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương diệt Hồ Ly Tinh) cho đến hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng, với sự tích trâu mẹ tìm trâu con). Bây giờ, đền Kim Ngưu vẫn nằm ngay cạnh phủ Tây Hồ.

Ngoài ra, Hồ Tây còn có trữ lượng tâm linh khủng khiếp. Những câu chuyện về Hồ Tây, với “đặc sản” là sương mù, từ thời vua Lý Nhân Tông đã xuất hiện Vụ án hồ Dâm Đàm, với câu chuyện xử lý Thái sư Lê Văn Thịnh.

Những câu chuyện ly kỳ, sự linh thiêng làm cho Hồ Tây trở thành điểm thứ hai theo hướng phát triển từ trung tâm Ba Vì tiến hành Đông tiến.

– Vậy trên hành trình Đông tiến, ngoài Hồ Tây, ta còn tìm thấy những điểm huyệt đạo nữa trên đường trục căng ngang đó?

GS. Lê Văn Lan: Từ điểm huyệt Hồ Tây, đi tiếp theo thung lũng của sông Thương, sông Cầu ra đến Lục Đầu Giang, ta gặp một điểm hội tụ nữa. Trần Hưng Đạo sau trận Bạch Đằng (1288), ở tuổi 60, lặng lẽ dời Thăng Long về ngã sáu Lục Đầu Giang – thành Vạn Kiếp. Việc dời Thăng Long trên vị thế đỉnh cao đó, chốt lại ở Vạn Kiếp. Từ đó, trông lên một tí xíu, ta gặp bên này là núi Phượng Hoàng. Vào đời Dụ Tông, lão sư Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém bảy tên gian nịnh, nhưng vua không nghe. Ông chán nản từ quan về ở núi Phượng Hoàng lấy hiệu là Tiều ẩn (người hái củi ở ẩn), mở trường dạy học, và mất ở đấy.

Dù Trần Hưng Đạo, Chu Văn An có một chút chênh về thời gian, nhưng đều thuộc thời Trần. Và cũng ở triều đại này, nhân vật lừng lẫy nhất là Phật hoàng Trần Nhân Tông (đang hoàn thiện hồ sơ công nhận là danh nhân văn hóa của nhân loại sau Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh) về chốt ở Yên Tử. Từ tam giác Yên Tử – Phượng Hoàng – Vạn Kiếp hình thành một điểm huyệt nữa, có cả trũng, cả cao, có cả non, cả nước. Và đó là tụ điểm thứ ba từ Ba Vì, qua Hồ Tây và khi tiếp tục căng ngang xuống, chúng ta gặp núi Bài Thơ, đỉnh điểm của vùng trung tâm xứ Quảng Ninh rồi ra biển Đông.

– Cách đây gần 200 năm, khi vãn cảnh Tây Hồ, nhà thơ Cao Bá Quát từng rung động trước cảnh sắc mỹ lệ của chốn “danh thắng đệ nhất kinh kỳ” ấy mà thốt lên rằng: Tây Hồ đích thực là nàng Tây Thi! Quả thật, ai cũng biết Hồ Tây rất đẹp. Nhưng đằng sau cái long lanh sóng nước, đằng sau cái lãng đãng sương mờ ấy, Hồ Tây lại ẩn chứa biết bao điều bí ẩn lạ kỳ…

GS. Lê Văn Lan: Về mặt nguồn gốc, chắc chắn Hồ Tây là một phần của dòng sông Hồng. Khi dòng sông Cái, tức sông Mẹ (người Pháp gọi là “Fleuve Rouge”) đổi dòng, bỏ quên lại “đứa con” của nó bên một cánh đồng, là Hồ Tây.

Ta xem Hồ Tây có cửa vào (chỗ Quảng Bá) và cửa ra cong cong như một khúc sông Hồng. Khi leo lên tầng cao nhất của khách sạn ở đầu dốc Yên Phụ, nhìn xuống sẽ thấy một con đê vô cùng mong manh, ngăn giữa Hồ Tây và sông Hồng. Ngày xưa, khi chưa có đê, sông Hồng uốn khúc vào và chảy xuôi ra.

Và rồi, có những huyền thoại táp vào đó, trên vị thế là vùng nước rộng nhất, đẹp nhất thuộc nội đô kinh thành Thăng Long. Cho nên “Tây Hồ Thập Vịnh” – 10 bài vịnh Hồ Tây của quan nghè Vũ Tông Phan; đến câu thơ nổi tiếng của cụ Cao Bá Quát: “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi”; rồi đến “Thượng Kinh ký sự” (Hải Thượng Lãn Ông), kể rất rõ những chuyến du ngoạn trên Hồ Tây vào thế kỷ XVIII, rồi thì Sâm cầm và chuyện “đít Lý Râu, đầu Án Cộng”; tiếp đến là ba vị nữ sĩ đều có quê hương ở đấy (Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương) – mộ bà Đoàn Thị Điểm, mộ ông Nguyễn Kiều, Cổ Nguyệt Đường và mộ bà Hồ Xuân Hương cũng ở ven Hồ Tây.

Những điều kỳ lạ trong văn học, trong đời sống xã hội và nhất là đặc trưng sương mù chỉ riêng Hồ Tây mới có.

 

Chính đặc điểm tự nhiên ấy đã làm nên một vùng huyền thoại trong văn hóa thi ca, cảnh quan, khi mấy chục ngôi chùa đẹp nhất đều dựa trên bờ Hồ Tây, dựa trên con đường nước.

Sau khi “văn hóa nước” bị người Pháp cải tạo thay đổi thành “văn hóa lục địa” thì nhiều người trong chúng ta quên mất những con đường nước. Ta vào ngay ngôi chùa cổ nhất của Hà Nội – chùa Trấn Quốc, thì con đê vào chùa được trang trí cây cối hai bên rất đẹp, nhưng là vào chùa theo lối cửa sau, còn cửa trước là bến nước ngay trước sân, có cây đa thì giờ không ai đi. Xưa đi chùa Trấn Quốc là đi con đường nước Hồ Tây để vào chùa, chứ không phải bằng đường bộ như giờ.

Tất cả các chùa khác ở Hồ Tây đều được đến bằng con đường nước. Kể cả ngôi chùa lớn nhất ngay hồ Hoàn Kiếm (chùa Quan Thượng) cũng là đi theo đường Hồ Gươm để vào, cho nên mới có tháp Hòa Phong. Rồi đền Bà Kiệu giờ có con đường cắt ngang ở giữa nhưng bên kia đường vẫn còn Tam Quan – đấy là cửa để vào đền theo đường hồ Hoàn Kiếm.

– Ông đang nhìn Hồ Tây với góc nhìn tâm linh “tụ thủy”?

GS. Lê Văn Lan: Chắc chắn rồi. Khúc sông Hồng mà bị “bỏ quên” nghĩa là như thế. Dù bị lấn chiếm và người ta đã phải cứu nó bằng cách lập con đường viền bao quanh thì Hồ Tây vẫn còn diện tích hơn 500ha. Tất cả các nhà du lịch, người viết sách địa lý đều nhận định: Không nơi nào trên thế giới có một hồ nước đến 500ha giữa lòng thủ đô như Hà Nội. Giá trị của nó, là vùng nước rộng ở ngay giữa trung tâm Thủ đô.

Và cùng với thời gian, với đặc điểm địa lý là lớp sương mù đã tạo ra không gian huyền hoặc, huyền thoại, xen với thực tại. Như vụ án hồ Dâm Đàm mù sương với án oan Trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh bị vu tội hóa hổ giết vua, để rồi ông bị đầy ra khỏi kinh đô lên miền ngược.

– Hồ Tây không chỉ là “lá phổi” khổng lồ cho toàn Thăng Long xưa và Hà Nội nay, không chỉ là  hồ điều hòa, luôn cân đối lượng nước, tránh ngập lụt cho cả thành phố, mà đó còn là vùng đất thiêng, nơi sản sinh tâm thức của người Hà Nội xưa, hay nói rộng hơn đó cũng chính là tâm thức người Việt cổ. Về góc nhìn tâm linh, nếu coi trục thần đạo như ông hình dung ở trên là long mạch vượng khí cực thịnh thì Hồ Tây chính là cái rốn của long mạch ấy?

GS. Lê Văn Lan: Thời xưa, người ta chưa phát hiện được, nhưng sau này thì đã tìm ra long mạch ấy. Hồ Tây là rốn của long mạch.

 

– Có người cho rằng, Cao Biền cũng sớm nhận ra vị trí trọng yếu của Hồ Tây và vì không muốn nước Nam cường thịnh nên tìm cách phá long mạch nước Nam, riêng Hồ Tây nhiều lần bị yểm nhưng không thành?

GS. Lê Văn Lan: Cao Biền không xuất hiện nhiều ở Hồ Tây. Cũng có lẽ vì khiếp sợ nên không dám mon men đến Hồ Tây (cười).

– Giáo sư có thể chia sẻ cụ thể hơn không?

GS. Lê Văn Lan: Có một lần Cao Biền thua trận khi dám mon men lên Ba Vì thách đấu Sơn Tinh.

Chuyện là vào thế kỷ thứ IX thời Bắc thuộc, trải qua những cuộc đàn áp, chiến tranh, người Việt còn lại giá trị duy nhất có sức sống mạnh mẽ, đó là niềm tin trong đầu về sức mạnh của thần linh nước Việt. Và Cao Biền – vốn là thầy phù thủy – quyết đánh nốt vào chỗ đó.

Sau nhiều lần thành công, ông ta dám khiêng kiệu lên chân núi Ba Vì để dụ Sơn Tinh ra. Cao Biền vẫn sử dụng “chiêu thức” dùng cô gái đồng trinh chuẩn bị mâm cỗ để mời thần linh, ở đây là Sơn Tinh, nhập xác ăn cỗ, sau đó theo dự định sẽ chém đầu cô gái cũng là giết chết Sơn Tinh. Nhưng lần này, Sơn Tinh lợi hại ở chỗ đã hóa thân thành mây ngũ sắc chuẩn bị nhập vào cô gái lại bay lên. Nhìn lên trên cao, Cao Biền thấy rõ, Sơn Tinh vén mây ra và nhổ một bãi nước bọt xuống mâm cỗ.

Cuối cùng, Cao Biền đành than: Chỗ này thần linh rất thiêng, ta không trừ được, tất có ngày ta phải cuốn gói về nước thôi.

Đấy là câu chuyện Cao Biền thua Sơn Tinh và điều đó khiến Ba Vì trở nên thiêng hơn.

– Vì thế mà Cao Biền không dám trấn yểm Hồ Tây ư?

GS. Lê Văn Lan: Chắc là khi đó, Cao Biền không biết Ba Vì chính là điểm khởi phát của trục long mạch thần đạo như tôi nói ở trên. Sau khi thua Sơn Tinh, chắc Cao Biền đã nhận ra cái trục thần đạo đó, nên không dám tới Hồ Tây để trấn yểm chăng? (cười).

– Tôi vẫn chưa tin lắm. Giáo sư có thể chia sẻ thêm lý do nữa, để câu chuyện này thuyết phục hơn không?

GS. Lê Văn Lan: Chuyện thứ hai liên quan đến sông Tô Lịch. Một lần, Cao Biền từ trong thành cổ Hà Nội, đi ra phía cửa Đông và chỉ cần 500 bước tới phố Hàng Buồm. Ông ta gặp thần Tô Lịch đang tắm ở cửa sông. Cao Biền nhận ra đây là đối thủ và đào ngay hố chứa kim loại để yểm. Ngay trong đêm ấy, Tô Lịch dùng sấm sét đánh bùa yểm của Cao Biền vụn nát ra như cám. Đó là trận thua thứ hai của Cao Biền nhưng là ở cửa sông Tô Lịch, chỗ đền Bạch Mã. Cao Biền thua Tô Lịch nhưng “fair-play” nên đã xây ngay đền Bạch Mã để chào thua, thờ người đã thắng mình (cười). Với niên đại 866, đền Bạch Mã trở thành ngôi đền cổ nhất của Hà Nội.

– Nghĩa là có sự liên quan giữa sông Tô Lịch và Hồ Tây?

GS. Lê Văn Lan: Sông Tô Lịch sở dĩ bây giờ chết là vì không có cửa. Trước đây, dòng sông này vốn có hai cửa: Một cửa chỗ Chợ Gạo, một cửa ở làng Hồ Khẩu (Hồ là Hồ Tây; Khẩu là cửa). Chúng tôi đang chủ trì kiến nghị khơi lại dòng sông chết Tô lịch vì bây giờ nó không có cửa nên nó không chảy. Tất cả các dòng sông đều phải chảy, nhưng sông Tô Lịch không có cửa nên không chảy. Nó chết là vì thế.

– Hồ Tây là long mạch, có năng lượng lớn?

GS. Lê Văn Lan: Ta cứ tin là như thế đi!

– Vùng đất Hồ Tây có sinh ra tài lộc không?

GS. Lê Văn Lan: Thơ ca để lại về tính thiêng và vẻ đẹp của Hồ Tây. Còn câu chuyện tài lộc và giá trị kinh tế của Hồ Tây, ngoài niềm tin, ta cứ nhìn vào thực tiễn.

– Còn đâu là giá trị kinh tế của Hồ Tây, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Rất đẹp, rộng và vô giá. Một vùng nước mênh mông. Do đó, các tao nhân mặc khách và chính khách đều chọn vị trí đất bên Hồ Tây để xây nhà. Giống như bây giờ, Hồ Tây được mệnh danh: Hồ của những ông Tây. Những nhà đẹp nhất quanh hồ đều là của những ông Tây. Những người lắm tiền nhiều của cũng chọn sinh sống bên cạnh Hồ Tây. Các tập đoàn lớn cũng phát triển các dự án nhà ở, khách sạn ven Hồ Tây – rất đông khách. Tiêu biểu như ở phía Tây Hồ Tây có Khu đô thị Nam Thăng Long với rất nhiều dự án cao cấp, nhiều tổ hợp bất động sản hạng sang sẽ tập trung tại khu vực này, từ tháp tài chính, khách sạn 6 sao, biệt thự trên không cho tới các căn hộ chung cư hạng sang…, với tầm nhìn không giới hạn một mặt hướng Hồ Tây lộng gió, một mặt hướng sông Hồng trú phú.

– Hồ Tây có vai trò gì trong lịch sử văn hóa Thăng Long, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Trước tiên, bởi đây là vùng nước rộng, cảnh quan đẹp đẽ nên các vua nhà Lý là những người “đầu têu” thưởng ngoạn Hồ Tây. Tôi là người tham gia đào Hoàng Thành Thăng Long và đào được con sông, vẫn đang được bảo tồn, khơi ra rồi đấy. Tất cả các học giả khác đều không biết con sông ấy tên là gì. Tôi chìa ra cho mọi người xem bản đồ Hồng Đức vẽ Hoàng Thành Thăng Long thì bên cạnh điện Chí Kính, điện Vạn Thọ, điện Kính Thiên, vẽ những ngôi nhà mái cong, xuất hiện một cái tên Ngọc Hà, nằm cạnh một ký hiệu vẽ ngồi nhà mái cong.

Mọi người tin, đó là tên một cái điện tương tự như ba điện kia. Nhưng mà làm gì có điện Ngọc Hà? Đó là tên của một con sông vừa mới đào ra. Và con sông ấy chảy ngược lên khu đất đã khai quật 4ha và nối đến đầu vườn Bách Thảo thì ngừng.

Giờ, vào vườn Bách Thảo, vẫn thấy còn một cái hồ nhưng dài, hẹp và quanh co – đấy chính là sự nối dài của dòng Ngọc Hà chảy từ trung tâm Cấm thành ra và ngược lên 10m qua đê Hoàng Hoa Thám. Chúng ta còn địa điểm Cống Đó, dốc Tam Đa, đó là nơi dòng sông Ngọc Hà bắc từ Hồ Tây và chảy vào kinh thành.

Các vua nhà Lý dùng con đường này để đi chơi Hồ Tây. Như vậy, vua nhà Lý, trong những chuyến du ngoạn của mình, là những người đầu tiên sử dụng Hồ Tây và sông Ngọc Hà, giờ để lại cái tên cho làng hoa Ngọc Hà. Một ngôi làng ở trên đất lại có tên là Sông Ngọc? Bởi vì có sông Ngọc Hà – con sông ngọc ngà của Hoàng tộc – đã được khơi từ trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, đến Hồ Tây.

Vườn Thượng uyển của vua nhà Lý đẹp như thế là bởi nhờ sông Ngọc Hà nối với Hồ Tây để lấy nước tưới chứ!

– Quay trở lại vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long – Hà Nội – Xứ Đoài mang khí thiêng sông núi – được xem là chốn “địa linh”, từ xa xưa đã sinh ra nhiều bậc hiền tài có những cống hiến đặc biệt cho đất nước. Thu tầm mắt lại gần hơn một chút trên trục thần đạo, nhìn từ núi Ba Vì, ta còn thấy một vùng đất là nơi giao thoa giữa sông Hồng và sông Đáy?

GS. Lê Văn Lan: Nói đến sông Đáy là nói tới nơi giao với sông Hồng, vùng đất trù phú, nhiều tài lộc và cũng nhiều thần thoại. Ở chiều ngược lại, sông Đáy đổ xuống phía Nam ra biển ở cửa Thần Phù.

Trước hết, nói đến sông Đáy là nói đến con đường mà Lý Thái Tổ đi từ Ninh Bình ra Thăng Long. Nhiều tác giả sử học vạch ra cho ông con đường đi từ Hoa Lư, theo sông Hoàng Long, ra sông Đáy và theo cửa Đáy ra biển Đông, rồi lại lộn vào sông Hồng, ngược lên tới Thăng Long.

Nhưng những người đã làm giao thông đường thủy, và bây giờ tìm lại các truyền thuyết và chứng nhân ở các di tích lịch sử, đặc biệt là ở đình Cổ Sở nằm trên sông Đáy, thì tất cả các cụ cố lão đều nhớ đoàn thuyền của Lý Thái Tổ đã đi qua đấy.

Và chúng ta có một hiện thực chắc chắn là vào năm 1426, khi Lê Lợi – Nguyễn Trãi phóng ba đạo binh nhằm miền đồng bằng châu thổ sông Hồng và đích trung tâm là Đông Quan, thì đạo binh vây thành Đông Quan của Trần Nguyên Hãn đi từ Thanh Hóa ra, theo con đường Ninh Bình, tới sông Đáy và đi qua đình Cổ Sở. Các cụ cố lão ở đây kể lại rằng, khi ngồi đó trông ra bến là thấy rõ đoàn thuyền đi theo sông Đáy và ra cửa giao với sông hồng, có tên là Hát Môn, từ đó xuôi xuống Thăng Long.

Giờ đền Hát Môn (Phúc Thọ) là một trong ba đền chính thờ Hai Bà Trưng. Nhiều người cứ nhầm lẫn Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tự vẫn tại Hát Môn, nhưng sự thực thì không phải như thế. Hai Bà Trưng tế cờ xuất quân tại cửa sông Hát, đây cũng được coi là một điểm trũng nằm trên trục thần đạo như tôi đã phân tích ở trên.

Từ đấy, Hai Bà Trưng xuất quân, căng ngang qua Cổ Loa – nằm trên tuyến đó, và từ đó, căng ngang tiếp thì đến Dâu, đến Liên Lâu (Luy Lâu). Hai Bà Trưng đánh hạ thành Liên Lâu, buộc Tô Định cắt râu, ngụy trang trốn về nước. Đó là huyệt đạo được chứng minh từ thời Hai Bà Trưng.

– Từ Hát Môn xuôi theo dòng sông Đáy ấy, có những nhà đầu tư lớn, với tầm nhìn tốt đã nhận ra giá trị của vùng đất này và đang triển khai cả một quần thể sinh thái, nghỉ dưỡng thông minh, nơi thưởng thức di sản ở huyện Phúc Thọ, vùng đất giao hòa giữa sông Hồng và sông Đáy. Họ muốn vẽ nên những nét kiến trúc tinh tế và kiến tạo những công trình để bảo tồn văn hóa truyền thống cổ xưa độc đáo của dân tộc, giao lưu và tiếp biến văn minh nhân loại, với những phong cách kiến trúc khá ấn tượng như Indochine, Địa Trung Hải…

Thưa Giáo sư, vùng trũng trù phú trên huyệt đạo này như Giáo sư vừa phác họa, có phải vùng đất linh thiêng và tụ khí, sinh nhiều tài lộc?

GS. Lê Văn Lan: Chắc chắn là như thế. Hát Môn (Phúc Thọ) vốn là cửa của sông Đáy, mà một tên gọi khác chính là sông Hát. Xin nghe lại ca khúc nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Quang Lộc vừa quá cố:

“Nghe đâu đây, hồn Trưng Vương sông Hát

Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều

Có phải em mùa thu Hà Nội…”.

Vùng đất Hát Môn mở rộng là nơi hợp của hai con sông giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, góp phần làm nên một huyệt đạo. Tụ điểm đó trùng hợp thay, trên bản đồ địa lý cùng trên vĩ tuyến với đường thần đạo chúng ta vừa mới thử hình dung. Đó là một vùng đất “rồng thiêng hạ thủy” hiện thuộc địa bàn các xã kéo từ Hát Môn đến Cẩm Đình, huyện Phúc Thọ. Chúng ta, rất cần những tầm nhìn thông minh, những trí tuệ lớn đến đánh thức vùng đất này. Nếu vùng đất có không chỉ một mà thêm nhiều dự án như trên thì rất ý nghĩa. Và chắc chắn, đó phải là những người có tâm và tầm nhìn bảo tồn di sản, lưu giữ không gian giá trị truyền thống. Đó không chỉ là nơi tạo ra cơ hội cho mọi người thưởng thức di sản mà còn để ươm mầm cho thế hệ trẻ tương lai.

– Giáo sư đánh giá ra sao về tiềm năng của vùng đất giao hòa giữa sông Hồng và sông Đáy này?

GS. Lê Văn Lan: Trước hết, đó là vùng đất được thừa hưởng thế an toàn về mặt quân sự của Sơn Tây – luôn là trung tâm quân sự có tầm chiến lược.

Tiềm năng nổi bật thứ hai, và cũng chính là giá trị của vùng đất mà bạn nói, chính là văn hóa.

Tiêu biểu nhất, chúng ta có được huyền thoại về vị Tứ Bất Tử số một Việt Nam, và như GS. Trần Văn Giàu đã khẳng định: Truyền thuyết về Sơn Tinh – Thủy Tinh là một truyền thuyết hàng đầu của lịch sử văn học dân gian Việt Nam.

Tiếp đó là hệ thống các di tích kiến trúc. Đến thời Nguyễn Tuân đã làm nổi lên chùa Đàn, với những hiệp thợ lên xây dựng đền Hạ – Trung – Thượng (nuốt phải những lá cây làm thành lưỡi dao). Đó là những huyền thoại về sự linh thiêng của núi Tản Ba Vì. Nơi đây, vùng chân núi cổ Ba Vì, với khí hậu trong lành, thoáng đãng, yên tĩnh là cả một kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, giai thoại phong phú và đa dạng, Nơi đây cũng là chốn địa linh đã sinh nhiều nhân kiệt… Trong đó, nổi tiếng nhất là Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Tiền Ngô vương Quyền.

Càng về sau, càng có nhiều dấu tích làm vẻ vang thêm cho văn hóa Xứ Đoài.

Về thơ ca, đặc biệt phải kể đến Quang Dũng, về họa có Phan Kế An (con Phan Kế Toại, nhà thờ ở Đường Lâm ngay chân núi Ba Vì), và cả “làng vẽ” (hội họa) Cổ Đô…

Nhờ những nhân vật lớn của thi ca, của hội họa, như làng Cổ Đô – cả làng làm họa sỹ đã làm nên văn hóa Xứ Đoài.

Nếu kể về văn hóa, ta có câu: “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Những cầu đẹp nhất, quý nhất là của xứ Sơn Nam – vùng trũng, lầy lội nên xuất hiện nhiều cầu; còn những ngôi chùa đẹp nhất là ở Kinh Bắc: Phật tích, chùa Dạm…; còn đình thì phải là Đình Đoài – đình ở Xứ Đoài.

Văn hóa Xứ Đoài có bộ phận nòng cốt là những chiếc đình, và văn hóa cái đình. Bây giờ, bên cạnh chùa Tây Phương, còn có đình Tây Đằng, thậm chí đẹp hơn là đình Chu Quyến, đình So, đình Thụy Phiêu – nơi Sơn Thánh Tản Viên đánh bại con vua Thủy Tề… đều ở Xứ Đoài.

– Chúng ta đang tìm cách kết nối văn hóa Thăng Long Tràng An và văn hóa Xứ Đoài?

GS. Lê Văn Lan: Xứ Đoài có bản chất là văn hóa trung du, văn hóa chân núi, của miền trước núi. Văn hóa Thăng Long căn cốt là văn hóa sông nước đồng bằng.

Hai điểm văn hóa như thế đã có trong lịch sử, nhưng tách rời nhau, bên này tìm sự hỗ trợ từ bên kia.

Bây giờ, đã có cơ sở hành chính rồi, nhưng những biến tướng là mặc cảm về sự sáp nhập vẫn còn đâu đó. Từ quyết định về mặt hành chính, cần tìm cách hỗ trợ, bổ sung để hai nền văn hóa giao thoa, hòa quyện, chứ không phải là ai thôn tính ai.

– Nhìn lại việc mở rộng địa giới lên Ba Vì, Giáo sư nhận thấy điều gì?

GS. Lê Văn Lan: Nhiều người cũng đã “đón đầu” phóng tiêu lên Ba Vì, làm trang trại, resort (cười). Từng có một ông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư viết một cuốn sách về việc mở rộng địa giới Thủ đô dứt khoát phải theo hướng Tây. Ông ấy đã mang đến tận buồng của tôi tặng cuốn sách đó, với mong muốn nhận được sự ủng hộ. Trước đó, có nhiều đề xuất mở rộng về hướng Đông (Hưng Yên).

Đấu tranh về việc mở rộng Thủ đô theo hướng nào thì có hai học thuyết, cuối cùng quyết định mở về hướng Tây.

– Quyết định đó nếu chiếu theo logic suy tưởng của Giáo sư về trục thần đạo, cũng rất hợp lý đấy chứ?

GS. Lê Văn Lan: Nếu nhìn ở tính lịch sử để lại, việc mở rộng về phía Tây theo tôi là hợp lý nhất. Thủ đô của bất cứ nước nào cũng cần được bảo vệ. Cho nên, với cách đặt vấn đề bảo vệ Thủ đô bằng biện pháp quân sự thì mở rộng Thủ đô về phía Tây là hoàn toàn chính xác.

– Ba Vì có thế như đầu rồng, qua những khúc cua uốn lượn – nơi giao thoa của những dòng sông, và Hồ Tây là rốn rồng?

GS. Lê Văn Lan: Đấy là về mặt tâm linh, một cách ví rất mỹ miều. Nhưng suy nghĩ đó cũng là hợp lý (cười).

– Vùng Xứ Đoài có phát triển không thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Đó là việc của các nhà kinh tế (cười). Ông Hồ Giáo hai lần được phong Anh hùng Lao động nhờ nuôi bò ở đấy.

– Xuôi xuống theo dòng sông Đáy thì sao, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Tiềm năng là thế, linh khí là thế, nhưng hiện giờ khai thác rất kém. Chúng ta đang chờ đợi các nhà đầu tư đến đánh thức tiềm năng.

– Chúng ta cần những nhà đầu tư lớn?

GS. Lê Văn Lan: Khó định nghĩa thế nào là lớn. Chúng ta cần những trí tuệ về mặt kinh tế và văn hóa nữa. Trồng cây, con, hay là công nghiệp, hay là cái gì?

– Vậy là nên đầu tư cái gì, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Những trại nuôi bò, thậm chí nuôi đà điểu, rồi định hướng cho nó là gì? Tôi nghĩ là du lịch, nhất là du lịch tâm linh, du lịch di sản, du lịch văn hóa trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng. Nếu có những điểm nhấn để trải nghiệm nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp của Việt Nam thì thật đáng quý. Đó phải là công trình chứa đựng câu chuyện của nền văn minh Việt, và cội nguồn của nó.

Từ câu chuyện của Hồ Tây, cũng cần nghĩ đến văn hóa nước trong triết lý phát triển.

Điều đó cần đến những trí tuệ xuất sắc, chứ không phải tư duy manh mún, lụn vụn, kiếm vài sào để xây khách sạn, nhà nghỉ rồi bỏ đấy.

Làng du lịch văn hóa các dân tộc dựa vào Ba Vì cũng chưa thật thành công.

Mà bây giờ, điều kiện để đầu tư phát triển đã có rồi. Thực tế đã hình thành trục đường rút ngắn thời gian di chuyển Hồ Tây – Ba Vì còn một nửa là đường Tây Thăng Long đang xây dựng, rồi các con đường khác phát triển về phía Tây Hà Nội…, rất thuận lợi giao thương, đón du khách và cả ở lại nữa.

– Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện vô cùng ly kỳ và thú vị này!